Đẳng sâm hay còn được ví như nhân sâm của người nghèo, bởi thành phần trong đẳng sâm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ tương tự như nhân sâm. Đẳng sâm được biết đến khá phổ biến với công dụng điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn, mệt mỏi, thiếu máu, cũng như trong các trường hợp sa tử cung, rong huyết, vàng da và viêm thận. Trong bài viết này, Nhà thuốc Tê Thấp Lý Gia Truyền Sáng sẽ cùng bạn tìm hiểu những lợi ích mà dược liệu này mang lại để biết vì sao nó được sử dụng phổ biến đến vậy.
Tìm hiểu chung
- Đẳng sâm hay còn được gọi là, Đảng sâm, Ngân đằng, Sâm leo, Cây đùi gà
- Tên khoa học là Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. & Thomson, Campanulaceae (họ Hoa chuông).
- Vị thuốc Đảng sâm Việt Nam có tên khoa học theo Dược điển Việt Nam 5 là Radix Codonopsis javanicae.
Đặc điểm thực vật
Cây thảo sống nhiều năm, có thân leo dài khoảng 2-3m và phân nhánh nhiều. Rễ phình thành củ hình trụ dài, màu vàng nhạt và phía dưới phân nhánh. Thân và củ đều có mủ trắng. Lá đơn thường mọc đối, hình bầu dục, dài khoảng 3-6cm và rộng 2,5-4,5cm. Lá mềm, mỏng, có màu xanh lá mạ và mặt dưới có lông nhung trắng. Mép lá có răng cưa tù và cuống lá dài khoảng 3,5-7cm. Hoa có hình chuông, thường mọc đơn độc ở nách lá và đài hoa có 5 thùy, gốc hơi dính và tràng hoa màu xanh lá mạ, đỉnh có 5 thùy. Quả nang có hình dạng 5 cạnh và khi chín có màu tím. Hạt của quả nang có hình tròn nhỏ và màu nâu.
Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ, cũng dùng tương tự như rễ Đảng sâm Trung Quốc, và lá của cây cũng có thể dùng để ăn. Người ta thường đi vào đồi cỏ để hái rễ củ để sử dụng hoặc thu hoạch rễ củ trong mùa thu đông, sau đó rửa sạch đất, cắt bỏ đầu rễ và các rễ con, sau đó phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở nhiệt độ thấp cho khô hơi, lăn cho mềm, rồi lại phơi sấy nhẹ để thật khô. Khi sử dụng, rễ củ được thái miếng và tẩm nước Gừng để tăng thêm hương vị.
Mô tả dược liệu: Dược liệu có dạng hình trụ, có khi phân nhánh, đường kính từ 0,5 đến 2 cm, màu vàng nâu nhạt, trên bề mặt có những gạch dọc ngang, thịt trắng ngà và vị ngọt dịu.
Bào chế:
- Đảng sâm phiến: Loại bỏ tạp chất, thái lát, phơi khô.
- Đảng sâm chưng hay hấp: Dùng Đảng sâm phiến, rửa sạch, ủ mềm, hấp ở áp suất hơi nước là 0,5 kg/cm2 trong 30 phút hoặc chưng trong 2 giờ, lấy ra để nguội. Sau đó phơi hay sấy ở nhiệt độ 60 độ C – 70 độ C đến khi sờ vào thấy không còn dính tay là được.
Đặc điểm phân bố
Cây Đảng sâm rừng ở Việt Nam phân bố chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên bao gồm Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội (Ba Vì), Hòa Bình, Ninh Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng. Thời điểm ra hoa là vào tháng 10-11 và ra quả từ tháng 12-2. Loài cây này thường sinh trưởng ở những vùng trống ven rừng thứ sinh, cây bụi, và có thể mọc trong các khu vực xavan cỏ ở độ cao từ 900-2200 mét. Để sử dụng làm thuốc, người ta thường gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân và sau 3 năm mới có thể thu hoạch. Cây cũng phát triển tại một số địa điểm khác như Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào và Inđônêxia.
Thành phần hóa học
Rễ của cây Đảng sâm chứa tinh dầu, đường, chất béo và alkaloid (codotubulosin A và B).
Trong lá non có chứa nước 77,5%, protid 4,2%, glucid 13,1%, xơ 3,3%, caroten 3,6mg% và Vitamin C 85,5mg%. Dường như rễ của cây không chứa Saponin, nhưng lại có tinh dầu, glucosid scutellarin và một lượng nhỏ alkaloid.
Công dụng của Đẳng sâm
Theo Đông y, đẳng sâm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng ích khí, dưỡng huyết, sinh tân, bổ trung, tiện tì. Đây là dược liệu được dùng để bồi bổ cơ thể chữa thể trạng mệt mỏi, kích thích tiêu hóa chữa kém ăn, chữa đại tiện lỏng, hư khí huyết, tỳ vị hư nhược,… Kế thừa những tinh hoa của Y học cổ truyền, Y học hiện đại đã nghiên cứu và khám phá ra nhiều thành phần quý cũng như công dụng của đẳng sâm như:
- Bổ sung năng lượng, phục hồi sinh lực, hỗ trợ tăng cân.
- Nâng cao đề kháng tự nhiên của cơ thể, dùng đẳng sâm đúng cách giúp cải thiện miễn dịch, giảm ốm vặt.
- Giảm cholesterol trong máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
- Kích thích lưu thông tuần hoàn máu, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thiếu máu.
- Đẳng sâm có chứa các thành phần có tính diệt khuẩn và được chứng minh có thể tiêu diệt một số loại vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, khuẩn đại tràng, trực khuẩn lao.
- Thành phần saponin trong đẳng sâm có thể ngăn ngừa quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn nên chống lại các phản ứng viêm trong cơ thể. Với khả năng kháng viêm, đẳng sâm giúp các vết thương nhanh lành hơn.
- Giúp làm lành các tổn thương trong niêm mạc dạ dày ở những người bị viêm loét dạ dày hay tổn thương dạ dày do rượu bia.
- Hỗ trợ điều trị chứng chướng bụng, đầy hơi, đi ngoài, đại tràng, hội chứng ruột kích thích,… giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
- Đẳng sâm có thể giúp người bị huyết áp cao hạ huyết áp tự nhiên, giảm nguy cơ đột quỵ.
- Với bệnh nhân tiểu đường, đẳng sâm giúp cân bằng đường huyết, giảm nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường.
- Với hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, đẳng sâm không những giúp bảo vệ các tế bào khỏi quá trình oxy hóa giúp phòng ngừa bệnh mãn tính. Đây còn là vị thuốc có tác dụng dưỡng nhan của phái đẹp.
- Đảng sâm kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều interferon có thể chống lại virus nên giảm mắc các bệnh ốm vặt do virus.
Các bài thuốc từ Đẳng sâm
Có rất nhiều bài thuốc Đông y bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh bằng đẳng sâm. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến nhất:
- Bài thuốc dưỡng khí, hư tỳ, kém ăn: Chuẩn bị hoàng kỳ, long nhãn, bạch truật, hắc táo, phục linh mỗi vị 160g, đẳng sâm, mộc hương 80g, cam thảo, đại táo mỗi vị 40g, đương quy, viễn chí mỗi loại 16g. Tất cả mang tán nhỏ, cho vào hũ thủy tinh bảo quản. Mỗi lần dùng 9g hòa tan với nước ấm để uống trước bữa ăn 2 tiếng.
- Bài thuốc tăng cường thể lực: Dùng 40g đẳng sâm cũng đương quy, long nhãn, ngưu tất mỗi vị 12g. Các vị thuốc mang sắc chung với nước thành nước thuốc và uống sau bữa ăn.
- Bài thuốc ổn định hệ tiêu hóa: Chuẩn bị đẳng sâm, thăng ma, bạch truật, sài hồ, trần bì, cam thảo mỗi loại 30g, đại táo, gừng tươi mỗi vị 12g, hoàng kỳ 100g, đương quy 2g. Các vị thuốc mang sắc chung với nước lấy nước thuốc uống.
- Bài thuốc chữa kém ăn, người mệt mỏi, cơ thể suy nhược: Chuẩn bị 16g đẳng sâm, 12g bạch truật, 4g cam thảo, 8g bạch phục linh mang sắc thuốc uống hàng ngày. Bạn cũng có thể mang các nguyên liệu đi tán thành bột. Mỗi lần dùng 20g bột pha với nước ấm uống.
Lưu ý khi sử dụng Đẳng sâm
Ngoài những bài thuốc trên đây, còn rất nhiều bài thuốc và cách sử dụng đẳng sâm khác nhau. Tuy nhiên, dù dùng đẳng sâm nấu ăn, ngâm rượu, ngâm mật ong hay nấu nước uống, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:
Để sử dụng đẳng sâm một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ, các thầy thuốc uy tín. Một số loại thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này. Khi dùng đảng sâm, không nên dùng quá 63g vì có thể làm loạn nhịp tim và gây cảm giác khó chịu ở trước tim.
Đẳng sâm có thể sử dụng cho người già yếu, người mới ốm dậy, người kém ăn, người có hệ tiêu hóa không ổn định, người thường xuyên mất ngủ,… Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng đẳng sâm.
Nếu chưa từng dùng đẳng sâm trước đó và không biết cơ thể có dị ứng thành phần nào trong dược liệu này không, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho các triệu chứng như: Buồn nôn, tiêu chảy, hạ đường huyết, mất ngủ,… Khi có bất cứ biểu hiện dị ứng nào, bạn cần ngưng sử dụng ngay lập tức.
Nếu đang có vấn đề về sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng đẳng sâm.
Đẳng sâm hay còn được ví như nhân sâm của người nghèo, bởi thành phần trong đẳng sâm có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. So với các loại sâm khác, đẳng sâm có giá thành rẻ hơn nên ai cũng có thể sử dụng. Mặc dù đẳng sâm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng loại dược liệu này mà không tham khảo bác sĩ, nhất là các trường hợp thay thế nhân sâm trong các bài thuốc thành đẳng sâm.
Nguồn: Sưu tầm